Tái định nghĩa giáo dục tài năng và sự chuẩn bị trước cho một tương lai khó đoán định

28/07/2023

Thế nào là học sinh “có năng khiếu” và “tài năng” trong thế kỷ 21? Hệ thống giáo dục hiện tại của chúng ta đang giúp các tài năng phát triển một cách toàn diện không? Các nhà giáo dục ở Việt Nam có thể thay đổi để chuẩn bị tốt hơn cho học sinh trước một tương lai mà chúng ta không thể đoán trước? Đó là những nội dung được bàn luận tại hội thảo khoa học “RE*GATE 2023: Tái định nghĩa chương trình Giáo dục tài năng” tổ chức tại Trường Đại học VinUni vào ngày 26/7.

“Hãy bắt đầu từ những thay đổi nhỏ!”

Hơn 100 nhà giáo đến từ nhiều hệ thống giáo dục tại Việt Nam đã được lắng nghe những chia sẻ ý nghĩa từ Giáo sư Thomas Hatch, chuyên gia hàng đầu thế giới về đổi mới sáng tạo trong giáo dục. Ông hiện giảng dạy tại Đại học Columbia, đồng thời là Giám đốc Trung tâm Tái cấu trúc Giáo dục, Trường học và Giảng dạy Quốc gia Mỹ (NCREST).

Giáo sư Hatch nhiều lần nhắc đến cụm từ “đổi mới vi mô” (micro innovation) xuyên suốt bài phát biểu, khẳng định tất cả cấp học cần thay đổi để thúc đẩy phát triển tài năng toàn diện ở trẻ em. Giáo sư chỉ ra rằng nhiều hệ thống giáo dục trên toàn cầu vẫn hoạt động theo mô hình truyền thống, dạy các môn học truyền thống và đánh giá học sinh thông qua các bài kiểm tra cứng nhắc. Tuy nhiên, mô hình này không còn phù hợp trong thế giới hiện đại và chưa đánh giá đầy đủ năng lực của học sinh.

Professor Thomas Hatch at the conference “RE*GATE 2023: Redefining the Talent Education Program”

“Thay vì cố gắng “đại tu” toàn bộ hệ thống cùng một lúc, các nhà giáo dục có thể tập trung vào những thay đổi nhỏ, có mục tiêu, nhằm giải quyết các vấn đề cụ thể. Những đổi mới vi mô sẽ tạo ra những thay đổi rõ nét và góp phần vào sự tiến bộ của cả hệ thống” – GS. Thomas Hatch nói.

Cũng theo GS Hatch, tương lai phía trước rất khó đoán, do đó đội ngũ giáo viên cần cởi mở và sẵn sàng trước những điều bất ngờ. Giáo dục cũng phải biến đổi để trang bị cho học sinh những kỹ năng, kiến thức cần thiết trước một thế giới biến đổi không ngừng.

Ông khuyến khích các nhà giáo dục thay đổi môi trường và cách học sinh lĩnh hội kiến thức. Giáo viên nên chuyển từ cách tiếp cận lấy giảng dạy làm trung tâm – học sinh tiếp thu thông tin một cách thụ động, sang phương pháp học tập tương tác, trải nghiệm hơn, khuyến khích học sinh chủ động học bằng thực nghiệm. Giáo viên cần một tư duy linh hoạt và toàn diện, tạo điều kiện cho học sinh khám phá thế giới bên ngoài bốn bức tường lớp học.

Tương lai nào cho cử nhân tài năng?

Tại hội thảo, Tiến sĩ Lê Mai Lan – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học VinUni chia sẻ các kết quả ban đầu của nghiên cứu “Tương lai của cử nhân tài năng trong thị trường tuyển dụng” – một dự án của nhóm nghiên cứu Trường ĐH VinUni triển khai trong năm 2023. Trong báo cáo, về kết quả ban đầu mà nhóm nghiên cứu của trường có được cho thấy một số thông tin thú vị về các năng lực cần có của một cử nhân tài năng nếu muốn được nhà tuyển dụng trọng dụng.

Theo TS Lê Mai Lan, nhóm nghiên cứu đã đặt ra nhiều câu hỏi cho các cử nhân tài năng tương lai và các doanh nghiệp (nhà tuyển dụng) để tìm câu trả lời cho vấn đề tương lai của cử nhân tài năng trong thị trường tuyển dụng. Đây là một chủ đề quan trọng mà rất tiếc là cho đến nay ở Việt Nam có rất ít nghiên cứu đã được công bố, dù chúng ta có hệ thống trường THPT chuyên từ hơn 60 năm, có nhiều trường đại học (ĐH) đào tạo các lớp cử nhân tài năng từ rất nhiều năm nay.

Dr. Le Mai Lan presented initial results from a research project titled “Challenge and Prospect for young talents” which developed by VinUniversity

Nhiều câu trả lời có sự tương đồng tương đối cao giữa nhóm doanh nghiệp và nhóm cử nhân tài năng tương lai. Tuy nhiên, có 4 kỹ năng mà giữa 2 bên có độ vênh, tức là cử nhân tài năng tương lai xem nhẹ, còn doanh nghiệp rất coi trọng.

“Điều đầu tiên, doanh nghiệp rất coi trọng, rất cần những người có năng lực dứt điểm. Trường ĐH có thể đào tạo được những người tư duy tốt, nhiều ý tưởng, người luôn mở đầu các câu chuyện… Nhưng với các doanh nghiệp, họ sẽ đi thẳng vào vấn đề: kết quả đâu? Các yếu tố khác mà sinh viên các lớp tài năng cũng xem nhẹ là khả năng thích ứng (biểu hiện đầu tiên là sự khiêm nhường, chấp nhận mình không là gì khi mà tài năng chưa được nhìn nhận); tư duy tích cực; bản lĩnh kiên cường”, TS Mai Lan cho biết.

Một kết quả khác cũng đáng để sinh viên và các trường ĐH suy ngẫm, đó là các kỹ năng cơ bản (tối thiểu) cử nhân tương lai cần có nếu muốn xin được việc. Các kỹ năng này gồm: kỷ luật, đúng giờ, đúng hẹn; làm việc nhóm, hợp tác hiệu quả; quản lý thời gian (làm việc với chính bản thân mình); kỹ năng tư duy (tư duy độc lập, có chính kiến); kỹ năng làm việc với máy (ứng dụng công nghệ).

Tốp 5 năng lực tạo nên sự khác biệt vượt trội của một người sau khi tốt nghiệp ĐH (chính là các cử nhân tài năng đúng nghĩa) gồm: làm việc trong tâm thế người chủ, tư duy giải quyết vấn đề, khả năng thích ứng, khả năng phân tích dữ liệu, chuyển đổi số. Còn để có một sự nghiệp tốt, người tài cần có bản lĩnh kiên cường, xoay sở đến cùng để đạt mục tiêu; linh hoạt, nhạy bén; tự học và tự phát triển; tạo động lực cùng hoàn thành mục tiêu; biết ra đầu bài để tối ưu hệ thống và trải nghiệm số.

Đồng tình với TS Lê Mai Lan, GS. Lê Anh Vinh – Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, kiến thức có thể học hỏi ở nhà trường và tích lũy khi làm việc. Tuy nhiên , người học cần trau dồi thêm các kỹ năng để giúp họ thích nghi và tự thay đổi. Những kỹ năng này không thể phát triển ngay, mà phải được bồi đắp từ bé, từ những hành động nhỏ.

“Chúng ta nói học sinh phải tự học, nhưng các em chỉ tự học khi vào đại học, còn 12 năm phổ thông giống như được các thầy cô dắt tay đi. Nhiều việc chúng ta đang làm hộ trẻ. Chúng ta giúp trẻ nhưng thực ra là đang giúp chính chúng ta. Chúng ta dạy trẻ nhưng thực ra là để giải tỏa những lo lắng của chính chúng ta. Nếu trẻ chưa làm được việc gì đó, các thầy cô, nhà trường sẽ cảm thấy chưa hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng thực ra những việc đó trẻ em vẫn có thể tự học được, quan trọng là kỹ năng. Chúng ta cần phải cho trẻ trau dồi kỹ năng ngay từ sớm” – GS Lê Anh Vinh nhìn nhận.

Professor Le Anh Vinh – Director of The Vietnam National Institute of Educational Sciences (VNIES)

——–

Chiều cùng ngày, các nhà giáo đã được tham gia 2 workshop bổ ích với chủ đề “Vai trò giảng viên trong giáo dục tài năng” của TS. Nguyễn Chí Hiếu – Nhà sáng lập Tổ chức giáo dục IEG, và “Thu hẹp khoảng cách giáo dục bằng ChatGPT” – Diễn giả Daniel Ruelle, Giám đốc Trung tâm Học xuất sắc tại Đại học VinUni.

Kết thúc sự kiện, Tiến sĩ Lê Mai Lan kêu gọi ra mắt “Mạng lưới Giáo dục Nhân tài” nhằm xây dựng cộng đồng giáo dục cả trong và ngoài Việt Nam, với mục tiêu chung là tìm ra những tài năng và cải thiện hiệu quả của các chương trình giáo dục và phát triển.

Cũng trong chuyến công tác đến Việt Nam, GS Thomas Hatch đã đính tham gia buổi hội thảo với chủ để “Cần làm gì để cải thiện trường học và thay đổii giáo dục? Bài học từ Hoa Kỳ, Phần Lan, Singapore và Estonia” tổ chức bởi VNIES vào ngày 24 tháng 7. Xem thêm thông tin chi tiết tại đây.