“Đại học không tường” – đại học của tương lai, Tiến sĩ Lê Vũ Quân – Giám đốc Chương trình Quản trị Kinh doanh

04/05/2020

Câu chuyện của Tiến sĩ Lê Vũ Quân – Phó Giáo sư Kinh tế, Giám đốc Chương trình Quản trị Kinh doanh, Viện Kinh doanh và Quản trị tại Đại học VinUni

“Không phải lớp học nào cũng cần những bức tường bao quanh. Một lớp học có thể diễn ra ở bất kì đâu, ví dụ một nông trại và giáo viên có thể là bất kì ai, chẳng hạn như một người nông dân!”

Cùng nghe câu chuyện của Tiến sĩ Lê Vũ Quân – Phó Giáo sư Kinh tế, Giám đốc Chương trình Quản trị Kinh doanh, Viện Kinh doanh và Quản trị tại Đại học VinUni.

Sinh ra tại Thành phố Hồ Chí Minh và sang Mỹ học từ năm 12 tuổi, Tiến sĩ Quân cảm thấy đồng cảm với tầm nhìn của Đại học VinUni: kết hợp các phương pháp tiên tiến nhất của các trường đại học quốc tế cùng bản sắc văn hoá và kinh tế Việt Nam để xây dựng một trường đại học đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam. “Tôi nghĩ, ở giai đoạn sự nghiệp học thuật hiện tại, tôi vinh dự được góp sức phát triển tầm nhìn xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế cho giới trẻ Việt Nam từ mọi tầng lớp xã hội.”

Tiến sĩ Lê Vũ Quân – Phó Giáo sư Kinh tế, Giám đốc Chương trình Quản trị Kinh doanh, Viện Kinh doanh và Quản trị, Đại học VinUni

Ban đầu, Tiến sĩ Quân theo học chuyên ngành sinh học phân tử tế bào, nhưng đã nhanh chóng thay đổi sau buổi học đầu tiên môn Kinh tế Phát triển vào năm thứ ba Đại học California Berkeley. Giáo sư của ông kể với lớp về chuyến công tác tại Việt Nam trong khuôn khổ một dự án hỗ trợ cải cách nông nghiệp quốc gia. Câu chuyện đó đã gợi cảm hứng cho chàng sinh viên Quân lúc bấy giờ: “Lớn lên ở một thành phố của Việt Nam, tôi không biết gì về vùng nông thôn và chưa hề nhìn thấy cây lúa; tôi đã bị thu hút khi nghe câu chuyện về kinh tế nông nghiệp của giáo sư”. Tiến sĩ Quân sau đó đã dành cả mùa hè ở Việt Nam để làm việc chung với những người nông dân Đồng bằng sông Cửu Long. Tiếp đó, ông chuyển ngành rồi tốt nghiệp cử nhân Kinh tế Nông nghiệp, học tiếp thạc sĩ Kinh tế tại Đại học San Francisco và lấy bằng tiến sĩ Kinh tế tại đại học Claremont Graduate.

Những năm đầu tiên trong sự nghiệp học thuật, Tiến sĩ Quân dành phần lớn thời gian trong văn phòng để phát triển các mô hình kinh tế. “Công việc đầy thách thức nhưng tôi không thực sự hứng thú. Tôi muốn khám phá những cơ hội thực tế hơn”. Tiến sĩ Quân tình nguyện làm việc tại PeaceTrees Việt Nam, một tổ chức nhân đạo tại thành phố Seattle với các dự án ở Quảng Trị, miền trung Việt Nam. Ông đồng hành với tổ chức này trong nhiều chuyến đi trước khi quyết định nghiên cứu về tín dụng vi mô và việc trao quyền cho phụ nữ cùng nhóm người vay tín dụng cộng tác với tổ chức PeaceTrees và Hội Liên hiệp Phụ nữ. Trong suốt thời gian ở Quảng Trị, những phụ nữ phải khởi sự kinh doanh vì hoàn cảnh bắt buộc đã truyền cảm hứng cho Tiến sĩ Quân. “Tôi và cộng sự nhận thấy rằng việc giúp những phụ nữ làm kinh doanh hiểu giá trị tinh thần doanh nhân, giá trị của cá nhân họ và các giá trị xã hội có thể mang lại thành công và thúc đẩy họ thử nghiệm những dự án kinh doanh mới.”

Gần đây, nông nghiệp bền vững, đặc biệt là sản xuất cà phê bền vững là trọng tâm nghiên cứu của Tiến sĩ Quân. Nhiệt độ tăng do biến đổi khí hậu khiến những vùng có thể sản xuất cà phê bị thu hẹp dần, đe doạ sinh kế của những người phụ thuộc vào hoạt động sản xuất này. Kể từ năm 2018, Tiến sĩ Quân đã làm việc với những người dân tộc thiểu số trồng cà phê tại Lâm Đồng, vùng Tây Nguyên Việt Nam để phát triển hoạt động sản xuất cà phê bền vững. Ông chia sẻ “Trồng cà phê bền vững tạo điều kiện cho thế hệ nông dân tương lai duy trì sản xuất cà phê, trong khi vẫn bảo tồn hệ sinh thái và đa dạng sinh học vùng Tây Nguyên”. Tham gia cùng ông trong lĩnh vực này là 20 sinh viên Đại học Seattle, nơi ông làm việc trước khi về Đại học VinUni. Tại Đại học Seattle, ông đảm nhiệm vị trí giáo sư danh hiệu Eva Albers, trường Quản trị Kinh doanh và Kinh tế Albers, đồng thời là giám đốc chương trình kinh doanh quốc tế.

Tiến sĩ Quân từng hai lần nhận học bổng chương trình học giả Fulbright, một giải thưởng uy tín và có tính cạnh tranh cao do Bộ Ngoại Giao Chính phủ Mỹ trao dựa trên những thành tựu về học thuật và chuyên môn. Hai học bổng ông nhận đều liên quan đến Việt Nam: năm 2005 -2006 tại Khoa Quản trị và Kinh Doanh, trường Đại học Quốc gia Hà Nội, và năm 2015 -2016 tại Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, Đại học Kinh tế TP.HCM. Năm 2017, trong vai trò chuyên gia Fulbright, tiến sĩ Quân làm việc và cố vấn cho Khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Đà Lạt phát triển chương trình đào tạo để tham gia đợt kiểm định của Mạng lưới các trường Đại học ASEAN.

Tại Đại học VinUni, Tiến sĩ Quân mong muốn tiếp tục nghiên cứu về phát triển bền vững cùng các đồng nghiệp và sinh viên. Đặc biệt, ông muốn thành lập Sáng kiến nghiên cứu cho sinh viên đại học, một nền tảng giúp sinh viên tiếp cận phương pháp học tập qua trải nghiệm. Sau nhiều năm làm việc với sinh viên đại học trong dự án cà phê bền vững, Tiến sĩ Quân đi đến kết luận, “Không phải lớp học nào cũng cần những bức tường bao quanh. Một lớp học có thể diễn ra ở bất kì đâu, ví dụ một nông trại và giáo viên có thể là bất kì ai, chẳng hạn như một người nông dân!”